Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, 24 văn kiện hợp tác đầu tư được ký kết tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ trao văn kiện hợp tác đầu tư tại Hội nghị. (Ảnh: Nhật Tân/DNVN).
Tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, sáng 4/10, đại diện các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư đã ký kết 24 văn kiện hợp tác đầu tư.
Trong đó có Biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ đầu tư giữa UBND TP. Hà Nội và Tập đoàn Jiayuan International về Dự án Đầu tư và xây dựng công viên phần mềm và cảng cạn ICD tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD;
Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc cung cấp sản phẩm xút lỏng NaOH vào thị trường Việt Nam giữa Tập đoàn Marubeni Nhật Bản và Công ty Cổ phần Hóa chất Miền Bắc (NIC), với tổng trị giá 100 triệu USD;
Giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn của Công ty TNHH Lotte Rental với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 72 triệu USD;
Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty GA Power về Dự án Nhà máy điện mặt trời Solarpark Hương Sơn và Nhà máy điện mặt trời Cẩm Xuyên, với tổng vốn đầu tư 46,6 triệu USD;
Giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn cho Công ty TNHH LG Display với tổng vốn đăng ký tăng thêm 500 triệu USD…
Chia sẻ niềm vui về thành tựu nổi bật - kết quả 9 tháng năm 2018, Hà Nội tạm vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Hà Nội là địa phương được nhiều nhà đầu tư FDI lựa chọn, với vốn đăng ký tăng trưởng liên tục.
Lũy kế đến tháng 6/2018, trên địa bàn Thành phố có khoảng 4.300 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 33,38 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:Nhật Tân/DNVN).
Ông Nguyễn Đức Chung đánh giá, khu vực FDI góp phần quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội, đóng góp 10 - 15% tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, giúp nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Khu vực FDI đã tạo việc làm cho 270.000 lao động trẻ, tạo sức ép cải cách mạnh mẽ với từng ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, góp phần xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại.
“Khu vực FDI là một kênh chuyển giao công nghệ đặc biệt quan trọng so với các hình thức, kênh chuyển giao công nghệ chính thức khác. Hà Nội đã tiếp nhận được một số công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong nhiều ngành kinh tế quan trọng như viễn thông, điện tử, công nghiệp sản xuất phụ tùng và lắp ráp sản xuất ô tô, hóa chất…”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để các DN, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công…
Người đăng: Tuan Mai